Khoai lang không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có những công dụng phòng chữa bệnh và là một trong những thực phẩm giúp phòng ngừa đau tim, đột quỵ, ổn định đường huyết, chống lão hóa và tăng cường miễn dịch. Hãy cùng DJF tìm hiểu những công dụng chữa bệnh nổi bật của khoai lang tới sức khỏe.
1. Nguồn gốc của khoai lang
Khoai lang không những là cây trồng quan trọng cung cấp lương thực cho con người, mà còn là cây cung cấp nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi. Mặt khác khoai lang còn là cây thực phẩm, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến công nghiệp tạo ra các mặt hàng có giá trị kinh tế cao.
Khoai lang có nguồn gốc nguyên thủy từ vùng nhiệt đới Châu Mỹ. Hầu hết các bằng chứng về khảo cổ học, ngôn ngữ học và sử học đều cho thấy Châu Mỹ là khởi nguyên của cây khoai lang (Trung hoặc Nam Mỹ).
Ngày nay, khoai lang được trồng rộng khắp trong các khu vực nhiệt đới và ôn đới ấm với lượng nước đủ để hỗ trợ sự phát triển của nó. Cây khoai lang được trồng để lấy củ ăn thay gạo.
2. Công dụng của khoai lang
Khoai lang không chỉ có sẵn, dễ tìm kiếm, ít tốn kém, và ngon, chúng còn có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số lợi ích khoai lang mang lại mà bạn có thể tham khảo:
2.1. Giúp giảm cân
Khoai lang là món ăn chứa nhiều tinh bột, nhưng thực ra tinh bột trong khoai lang chỉ bằng ½ so với khoai tây và bằng 1/3 so với cơm. Vì vậy, đây là nguồn tinh bột tốt để bạn bổ sung vào thực đơn giảm cân.
2.2. Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Tất cả các giống đều cho củ có vị ngọt, dù nhiều hay ít. Mặc dù có vị ngọt, nhưng khoai lang trên thực tế là thức ăn tốt cho những người bệnh tiểu đường, các nghiên cứu cho thấy nó hỗ trợ cho sự ổn định nồng độ đường trong máu và làm giảm sức kháng insulin.
2.3. Tăng cường sức khỏe tiêu hóa
Chất xơ và chất chống oxy hóa trong khoai lang có lợi cho sức khỏe đường ruột. Hiện tại, có nhiều loại thuốc nhuận tràng được làm từ chất xơ. Điều này có nghĩa là tiêu thụ khoai lang có thể làm tăng lượng chất xơ cần thiết của bạn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa hợp lý. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao của khoai lang cũng có thể hỗ trợ ngăn ngừa táo bón ở cả trẻ em và người lớn.
2.4. Cung cấp lượng lớn các vi chất dinh dưỡng
Giàu vitamin B6
Vitamin B6 giúp giảm nồng độ homocysteine trong cơ thể chúng ta. Nồng độ cao của homocysteine có liên quan với các bệnh thoái hóa, bao gồm cơn đau tim và đột quỵ.
Nguồn cung cấp vitamin C dồi dào
Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp ngăn ngừa cảm lạnh và virus cúm. Đồng thời, vitamin C cũng rất cần thiết cho xương và răng, tốt cho hệ tiêu hóa và quá trình hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin C còn góp phần chữa lành vết thương, tạo ra collagen giữ cho làn da luôn tươi trẻ, giảm stress và bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố có nguy cơ gây ung thư cao.
Vitamin D phong phú
Vitamin D trong khoai lang có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch và tăng cường sức khoẻ tổng quát. Vitamin D góp phần giữ cho hệ xương, tim mạch, thần kinh, răng, da và tuyến giáp khỏe mạnh.
Vi chất sắt dồi dào
Vi chất sắt trong khoai lang cung cấp năng lượng cho cơ thể, giảm stress, thúc đẩy sản xuất hồng cầu, bạch cầu, tăng cường miễn dịch và chuyển hoá protein.
Nguồn cung cấp magie rất tốt
Magie không những là khoáng chất quan trọng chống căng thẳng mà còn có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển khỏe mạnh của cơ xương, tim mạch và các chức năng thần kinh.
Giàu kali
Kali là một trong những chất điện giải quan trọng giúp điều chỉnh nhịp tim và tín hiệu thần kinh. Giống như các điện giải khác, kali thực hiện nhiều chức năng cần thiết, bao gồm giảm co thắt cơ bắp, giảm sưng, bảo vệ và kiểm soát các hoạt động của thận.
2.5. Chống ung thư
Các loại khoai lang khác nhau cung cấp các chất chống ô xy hóa khác nhau như anthocyanin giúp bảo vệ chống lại một số loại ung thư. Anthocyanin có nhiều trong khoai lang tím. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy bằng chứng chúng làm chậm sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, bao gồm cả những loại ung thư ruột kết và ung thư vú.
2.6. Tăng cường thị lực
Màu cam trên vỏ khoai lang là dấu hiệu cho thấy mức caroten rất cao của loại củ này. Nhóm chất caroten giúp tăng thị lực, thúc đẩy hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa.
3. Cách dùng khoai lang
Một số cách có thể chế biến khoai lang trong điều trị một số bệnh như:
Chữa táo bón
Ăn khoai luộc đơn thuần hoặc chế biến thành một số món như nấu chè khoai tươi hoặc khô với vừng và ít hoa quế; bánh làm bằng khoai lang với vừng hoặc dừa; bột khoai khô với vừng tán mịn, quấy uống mỗi sáng,…
Giảm cân
Chọn khoai mới, không chọn khoai mọc mầm, rửa thật sạch trước khi chế biến sau đó luộc hoặc hấp chín, bạn nên ăn cả vỏ vì vỏ chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, có lợi cho làn da. Ưu tiên lựa chọn khoai lang trắng, hạn chế ăn khoai lang vàng và khoai mật vì lượng đường cao, không có lợi cho việc giảm cân của bạn.
Trị chứng biếng ăn ở trẻ
Cho bé ăn dặm bằng bột khoai lang vàng đỏ quấy với bột, sữa.
Điều trị viêm tuyến vú
Khoai lang trắng gọt vỏ, giã nhuyễn đắp lên vú, có thể phối hợp với tỏi giã nhuyễn để đắp.
4. Lưu ý khi sử dụng khoai lang
Mặc dù khoai lang là món ăn được coi là rất tốt cho cơ thể, nhưng bạn cần hạn chế ăn khi cơ thể trong các trường hợp sau:
Người mắc bệnh về thận
Những người mắc bệnh thận tuyệt đối nên tránh ăn khoai lang vì trong khoai chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin… Khi thận yếu, khả năng loại bỏ kali không tốt sẽ gây nhiều tác hại cho tim.
Người mắc bệnh dạ dày
Ăn khoai lang khi bụng đói sẽ kích thích tiết axit dạ dày, dễ dẫn đến đau bụng, viêm loét dạ dày. Đặc biệt những người đau dạ dày mạn tính, ăn khoai lang khi đói càng làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.